NHỮNG KỶ NIỆM NƠI PHÒNG TRANH TRƯƠNG VŨ
Trần
Thị Nguyệt Mai
Nhà văn, Họa sĩ Trương
Vũ.
Ảnh Phạm Cao Hoàng
Tối
thứ sáu 23/2/2024, chị Duyên gửi cho tôi link bài thơ “Tạm biệt một căn phòng”
[1] của anh Phạm Cao Hoàng ghi gửi anh Trương Vũ.
Căn
phòng này
chiếc
bàn này
nơi
chúng ta đã từng ngồi
nâng
ly
chúc
mừng một bức tranh vừa hoàn tất
chúc
mừng một cuốn sách vừa in xong
chào
mừng một người bạn từ phương xa đến
Vâng, tôi vẫn còn nhớ căn phòng mà anh
Phạm Cao Hoàng nhắc tới trong bài thơ. Biết thì biết đã lâu. Từ những bài thơ
mà họa sĩ Đinh Cường gọi là “Những Đoạn Ghi” anh đã viết thay nhật ký:
Như
vậy là một ngày Chủ Nhật hạnh phúc
gặp
nhau và nói cười cùng nhau, còn chi hơn
…
ngồi uống những ly rượu vang ngon, thật ngon
một
bàn dài bạn bè quý mến, nhắc lại những
tờ
báo đã không còn Văn Học, Hợp Lưu…
bao
nhiêu cây viết đã xuất phát từ các sân chơi đó
(Đinh Cường – Từ trưa tới chiều ở nhà
Trương Vũ)
Một
bạn nào đó nói, các buổi gặp gỡ khác
càng
ngày càng ít người thì ở Trương Vũ
càng
ngày lại càng đông. thật vậy. vẫn chiếc
bàn
thật dài trải khăn trắng đầy thức ăn
ngoài
món ăn của gia đình. mỗi người còn
đem
tới vài ba món tủ. ăn làm sao hết…
(Đinh Cường – Và một buổi gặp gỡ
đông vui trưa thứ Bảy ở nhà Trương Vũ)
Nhưng lần đầu tiên tôi có mặt, lại là một
ngày thật buồn 13-1-2016 – tang lễ của họa sĩ Đinh Cường. Anh Trương Vũ đã mời
tất cả mọi người sau buổi lễ đến nhà anh. Ở đó ngoài những người tôi đã gặp buổi
tối hôm trước ở nhà anh chị Phạm Cao Hoàng, các anh Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh,
Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Nguyễn Minh Nữu, anh chị Đỗ
Thanh Tùng, các bạn Nguyễn Thị Thanh
Bình, Bạch Mai, có thêm các anh Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Nhuận,
Hồ Đình Nghiêm, và các bạn Đinh Từ Bích Thúy, Quỳnh Loan, … Nhiều lắm, tôi không thể nhớ hết tất cả tên từng
người…
Chúng tôi nâng cốc rượu nhớ về người đã
khuất nhưng cứ ngỡ người họa sĩ thân thương vẫn quanh đây cùng thân hữu họp mặt,
trong tiếng đàn hát đầy xúc động của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi khúc réquiem “Giấc
mộng trên đồi thơm” [2] do chính anh sáng tác tặng anh Đinh Cường. Ôi cuộc đời
quá ngắn. Ôi mộng ngoài tay với. Bạc đầu ước mơ, mỏi chồn gối chân. Còn đi đến
đâu cuộc đời… Thôi về lại bóng tối. Thôi
về lại mây khói. Để sương trắng bay lạc vào giấc mơ, lạc về cõi xa, xa mù…
Và lần gần nhất tôi đến nơi đây là trước
đại dịch Covid-19. Anh Trương Vũ hẹn bạn bè vào lúc 1:00 giờ trưa ngày thứ bảy
29-6-2019, để cùng chia sẻ cuốn sách “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” [3] của anh mới phát
hành. Buổi họp mặt đông vui có quý anh Đặng Đình Khiết, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn
Tường Giang, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Quang, …, quý anh chị Phạm Cao Hoàng,
Nguyễn Minh Nữu, Đỗ Thanh Tùng, Phạm Nhuận, chị Lãm Thúy và quý bạn Nguyễn Thị
Thanh Bình, Hoàng Thị Bích Ty, Đinh Từ Bích Thúy, Quỳnh Loan, Đinh Trường
Chinh, Phạm Phú Thiện Giao và cả Nguyễn Thị Hậu ở Việt Nam nhân chuyến sang
thăm Hoa Kỳ. Hôm đó cùng anh chị Tùng – Duyên và anh Phạm Cao Hoàng, chúng tôi
đã ở lại nhà anh Trương Vũ lan man nói chuyện văn học đến khi chiều đã hết và
bóng đêm dần xuống. Tôi hỏi anh Trương Vũ về nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, người bạn
học có cá tính rất đặc biệt của anh. Anh tâm sự nhà thơ Nguyễn Đức Sơn tuy bề
ngoài trông rất phức tạp, nhưng là một người chơn chất, một tài năng của văn học
Việt Nam. Có thể nói Nguyễn Đức Sơn là một mẫu nghệ sĩ và trí thức rất hiếm
hoi, dám sống và nói thật về điều mình tin, nhất là trong hoàn cảnh xã hội Việt
Nam của vài chục năm qua…
Một buổi gặp gỡ ở phòng
tranh Trương Vũ
(Vienna, Virginia,
29.6.2019 – Tư liệu Phạm Cao Hoàng)
Rồi đại dịch xảy ra. Như anh Phạm Cao
Hoàng đã viết trong bài thơ “Bốn năm sau ngày anh Đinh Cường ra đi”:
bốn
năm sau ngày anh Đinh Cường ra đi
miền
Đông xơ xác trong cơn đại dịch
muốn
đến Studio Trương Vũ xem những bức tranh mới vẽ nhưng không thể
muốn
nâng ly cùng các anh Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tường Giang, Phạm Nhuận, Đặng
Đình Khiết, Phạm Thành Châu… nhưng không thể
muốn
cụng ly cùng các bạn Nguyễn Minh Nữu, Nguyễn Quang, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần
Anh Chương, Đinh Trường Chinh… nhưng không thể
các
bạn tôi, nhà nào cũng đóng cửa
stay-at-home,
stay-at-home, stay-at-home
bốn
năm sau ngày anh Đinh Cường ra đi
miền
Đông bây giờ tiêu điều trong cơn đại dịch
hàng
quán im lìm phố xá hoang vu
muốn
ghé Starbucks ngồi nhâm nhi một ly cà phê nhưng không thể
drive-thru
only
…
Buồn. Tất cả mọi người đều buồn. Chúng
tôi hẹn nhau sau đại dịch sẽ là một ngày hội ngộ anh em. Nhưng đến nay dịch ấy
chưa dứt hẳn vẫn còn những biến thể tiếp tục lây lan, chị Duyên và tôi lại ở
xa, nên chúng tôi cũng chưa về Virginia thăm các anh chị…
Căn
phòng này
không
gian này
nơi
có người họa sĩ
trầm
ngâm ngồi trước giá vẽ
thả
hồn vào nỗi đam mê
…
nhớ
không Duyên?
nhớ
không Nguyệt Mai?
nhớ
không Cúc Hoa?
và
nhớ không các bạn của tôi?
Có thể nói họa sĩ Trương Vũ là người tự
nguyện thực hiện những chân dung bạn bè nhiều nhất, với một danh sách rất dài:
Đặng Đình Khiết, Lê Xuân Khoa, Nguyễn Ngọc Bích, Đinh Cường, Nguyễn Tường
Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Văn Khoa, Nguyễn Xuân Thiệp, Phạm Nhuận, Hoàng Khởi
Phong, Nguyễn Minh Nữu, Phạm Cao Hoàng, Hoàng Xuân Sơn, … Nhớ lần anh Trương Vũ
hẹn chị Duyên và tôi đến để anh vẽ chân dung cho hai đứa vào khoảng giữa tháng
10/2017. Giữa trăm công ngàn việc bộn bề với quỹ thời gian không phải là bất tận
mà anh vẫn dành cho chúng tôi, những đứa em ở xa, những tình cảm đặc biệt khi
chọn vẽ… Anh còn đề nghị chị Duyên và tôi đến nhà anh, anh chị sẽ lo cả việc ăn
ở cho chúng tôi trong thời gian này. Nhưng anh chị Phạm Cao Hoàng luôn rất dễ
thương và chân tình với bạn bè, đã ngỏ lời, “anh Trương Vũ đã lo phần vẽ rất mệt
rồi, Duyên và Nguyệt Mai sẽ ở tại nhà Phạm Cao Hoàng…” Anh chị và cháu Thiên
Kim đã rất tận tình, chu đáo lo tất cả cho chúng tôi được thoải mái trong thời
gian ở đây… Làm sao chúng tôi có thể quên được những ân tình quý giá này?
Căn
phòng này
chiếc
bàn này
không
gian này
chiều
nay
tôi
ngậm ngùi tạm biệt.
Có quá nhiều kỷ niệm. Hỏi sao anh không
rưng rưng khi một mai anh chị sẽ đến một nơi khí hậu ấm áp hơn, thích hợp hơn
cho sức khỏe của anh chị. Chỉ là tạm biệt nhưng sao lòng buồn quá đỗi. Không là
ruột thịt và chỉ quen anh mấy năm sau này, nhưng chúng tôi rất kính quý anh. Ở
anh, tôi thấy được tấm lòng nhân hậu, chung thủy, hết lòng với gia đình, bạn
bè, cùng một tình yêu vô bờ bến với quê hương, đất nước. Trên trang tiểu sử ở
blog Phạm Cao Hoàng, tôi được biết anh Trương Vũ tên thật Trương Hồng Sơn, tốt
nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa và học Đệ Tam Cấp Toán tại Đại Học Sài Gòn. Sang Mỹ,
anh lấy thêm các bằng Thạc Sĩ Vật Lý Hạt Nhân tại University of Pennsylvania,
Thạc Sĩ Kỹ Sư Điện (Truyền Thông) và Tiến Sĩ Khoa Học (Điện trong Kỹ Thuật
Không Gian) tại The George Washington University. Trước năm 1975, anh xuất thân
là một thầy giáo toán, được gọi nhập ngũ khi có lệnh tổng động viên lúc chiến
tranh ở miền Nam trở nên tàn khốc. Sau hơn hai năm, anh được biệt phái trở về dạy
Toán và đặc trách Sinh Viên Vụ tại Đại Học Duyên Hải, Nha Trang cho đến lúc vượt
biển và định cư tại Hoa Kỳ từ 1976.
Anh
là Chuyên gia nghiên cứu cho NASA tại Trung Tâm Không Gian Goddard từ 1980 cho
đến khi nghỉ hưu năm 2006, đã tham dự và phụ trách nhiều công trình khác nhau,
về khoa học và kỹ thuật. Đóng góp quan trọng nhất của anh thuộc lãnh vực nghiên
cứu và phát triển kỹ thuật xác định quỹ đạo (Orbit Determination) và phi hành tự
động cho phi thuyền (Autonomous Spacecraft Navigation). Anh đã đăng tải nhiều
công trình nghiên cứu với tư cách tác giả chính về vật lý và kỹ thuật không
gian.
Ngoài
công việc chính ở NASA, anh có đóng góp vào một số sinh hoạt văn học ở hải ngoại.
Đồng Chủ biên Tuyển tập Văn chương Chiến tranh The Other Side of Heaven (do
Curbstone Press xuất bản năm 1995). Nguyên Đồng Chủ biên Tập san Việt Học The
Vietnam Review của Đại học Yale (1996-1998). Nguyên Chủ bút Tạp chí Đối Thoại,
California (1993-1994). Hợp tác, đóng góp bài vở cho một số tạp chí văn chương
(giấy và mạng) như Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Talawas, Tiền Vệ, Da Màu, Tương Tri,
các blog như Phạm Cao Hoàng, Phố Văn, Trần Thị Nguyệt Mai, …
Về
hội họa, ngoài các lớp học rải rác tại đại học và tư nhân, phần chính là tự học.
Anh đã tham dự một số triển lãm tại Hoa Kỳ.
Tôi được nghe kể vào những ngày cuối của
cuộc đổi đời năm 1975, Nha Trang đang rất hỗn loạn. Khi gặp bạn là nhà văn đang
trong quân ngũ thuộc một binh chủng “dữ dằn” mà nếu lọt vào tay phía bên kia chắc
chắn sẽ bị tù đày và cái chết khó tránh, anh đã đưa cho bạn chiếc xe mini-truck
có mui của mình – phương tiện di chuyển duy nhất của gia đình anh – hối thúc vượt
thoát ngay. Hỏi anh, anh nói lúc đó chỉ nghĩ đến an sinh của bạn, không một mảy
may nghĩ đến điều gì khác. Và tôi cũng được biết chính trong những ngày đó, anh
đã cùng các sinh viên của Đại Học Duyên Hải lo công tác cứu trợ đồng bào chạy nạn
đổ dồn về Nha Trang qua câu chuyện anh kể về người học trò Dương Thái Đức trong
tạp bút Những Cơn Mưa Ngày Cũ. Tháng 3/1976, trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ,
cùng với bốn bạn đồng hành khác, anh vượt biển khi thấy “… Những tính toán về
tương lai của học trò tôi, của chính tôi, bỗng trở thành ảo tưởng. Phía trước
mù mịt. Lúc đó tôi mới qua tuổi ba mươi không lâu, đang rất năng nổ bỗng trở
nên mất tự tin, trở nên e dè, ngỡ ngàng, lúng túng. Và, cố gắng ‘khôn ngoan’
như một người đã trải qua bao thăng trầm, bị vùi dập biết bao lần trong đời, để
không dám sống thật với mình… May mắn, chúng tôi đến được Manila an toàn. Ghe
chúng tôi là một trong những chiếc đầu tiên đến được Manila sau biến cố 1975.”
[3]
Những năm đầu ở Mỹ, anh quyết định tiếp tục
con đường học vấn, lấy Thạc sĩ rồi Tiến sĩ bên cạnh năng nổ trong các sinh hoạt
cộng đồng Việt Nam. Anh đã truyền lửa cho các bạn trẻ cùng sinh hoạt mà cho đến
nay các bạn vẫn còn nhớ. Tác phẩm “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” đã cất giữ những tâm
tư, tình cảm cũng như những bài học kinh nghiệm anh muốn trao truyền cho những
thế hệ tương lai. Sau đây chỉ là vài chia sẻ.
“… Nhưng, cái thảm kịch lớn nhất vẫn là
cái thảm kịch của một dân tộc mà những người làm chính trị đã khiến người dân
bình thường sợ họ hơn sợ nỗi chết. Đó cũng là thảm kịch của một đất nước mà
quân đội luôn luôn vinh danh về sự hùng mạnh, về những chiến thắng trên trận mạc,
nhưng hoặc bất lực, hoặc cố tình làm ngơ trước những cướp bóc, hãm hiếp, giết
người man rợ của bọn cướp biển ngoại nhân chỉ có vũ khí thô sơ, dù rằng chiến
tranh đã chấm dứt, dù rằng nạn nhân là những con người vô tội hầu hết không hề
cầm súng, và họ cũng là những người được sinh ra từ trăm trứng của mẹ mình.
Quan trọng hơn hết, để thực sự dấn mình vào những nỗ lực của cá nhân và tập thể
cần phải có cho thế hệ này, và cho những thế hệ kế tiếp. Để xã hội nhân bản
hơn, tôn trọng những quyền căn bản của con người hơn, và để người dân có tự do,
có cơ hội sống một đời có phẩm cách, như trong bao nhiêu quốc gia tiến bộ khác.
Chỉ có như thế, cái thảm kịch như từng xảy ra trên biển Đông sau 1975 sẽ không
còn xảy ra cho dân tộc Việt Nam trong tương lai nữa.” [3]
“… Và, ở Tiệp ngày nay, nếu không có
chút hiểu biết về lịch sử, tôi sẽ không thể nào tin rằng dân tộc đó đã từng hơn
bốn mươi năm sống cô lập sau bức màn sắt, chịu áp đặt một chủ nghĩa xã hội rất
thiếu nhân bản, chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chính trị và quân sự của Liên Xô,
và chỉ mới tách rời khỏi những ảnh hưởng đó chưa tới 27 năm.
…
Nhìn
lại một số đổi thay chính trị lớn, tôi nghiệm ra một điều: nơi nào có sự tham dự
tích cực của giới trí thức và văn nghệ sĩ yêu nước, yêu sự sống, tôn trọng sự
khác biệt, và can đảm đứng lên tranh đấu quyết liệt cho điều mình tin, cho những
quyền căn bản của con người, thì ở nơi đó, sự đổi thay mang lại ít bạo lực nhất,
những quyền căn bản được phục hồi và xã hội phát triển nhanh nhất. Hãy nhìn,
như một phản đề, những gì đã xảy ra trong cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam
vào thập niên 50, trong cuộc ‘cách mạng văn hóa’ ở Trung Hoa vào thập niên 60,
và sự thống nhất bằng quân sự và áp đặt chủ nghĩa ở Việt Nam vào 1975. Và, như
chính đề, hãy nhìn những gì đã xảy ra trong những đổi thay lớn ở Đông Âu, và đặc
biệt, ở Tiệp Khắc, vào 1989.” [3]
“… Lý do chính để tôi mong Việt Nam giống
như Đông Âu hơn là vì, khi thẳng thắn với chính mình, tôi thực sự không tin là
sức mạnh của chúng ta còn là sức mạnh ở súng đạn nữa, trong khi sức mạnh súng đạn
của kẻ thù vẫn y nguyên đó. Sức mạnh của chúng ta là ở cái đầu và con tim.
Chính những ý thức về văn minh, về tiến bộ, về tự do, về dân chủ, cùng với khát
vọng được sống một đời có phẩm cách của một con người ở thời đại này đã đánh gục
chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Âu, chứ không phải là súng đạn. Nhưng, nếu muốn đánh
gục Cộng sản như ở Đông Âu thì không thể quên được tầm quan trọng của các phong
trào phản kháng, bao gồm văn chương phản kháng, cùng với ý thức trách nhiệm và
trình độ hiểu biết của người dân. Nếu dân trí Việt Nam thật cao, tình trạng Việt
Nam sẽ gần với Tiệp Khắc. Nhưng, nếu dân trí thấp, tình trạng của Việt Nam sẽ gần
với Romania hay tệ hơn. Đọc sách và tự do lựa sách để đọc là một phương cách để
nâng cao dân trí. Còn hơn thế nữa, đó là một nhu cầu không thể thiếu và không
nên thiếu, trong đời sống tinh thần của mỗi con người.” [3]
“Giáo dục Việt Nam cần giảm bớt mô thức
giảng dạy áp đặt và tăng cường mô thức gợi ý. Cần giảm thiểu sự mệt mỏi của học
sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học. Đặc biệt, nên giảm bớt lượng kiến thức hay
thông tin trong chương trình học. Nhắm đến một hành trình lâu dài hơn của con
người. Không nên để họ gục ngã sớm về đầu óc. Đặt nặng vào việc đào tạo giáo chức
và dành những đãi ngộ đặc biệt cho họ. Trong trường hợp các nước đang phát triển
như Việt Nam, giáo chức phải được tuyển chọn từ thành phần ưu tú nhất của đất
nước. Đối với các trường đại học, ngoài việc áp dụng chương trình giảng dạy
theo mô hình của các quốc gia tiên tiến tây phương, quyền tự trị đại học cần được
ban hành cho đại học Việt Nam. Thiếu sự tự trị, đại học Việt Nam khó thể hoàn tất
vai trò đào tạo trí thức của nó. Đề nghị sau cùng, và có lẽ là đề nghị quan trọng
nhất, là nhà nước Việt Nam nên xem phát triển giáo dục toàn diện là ưu tiên
hàng đầu của quốc gia, xem nguồn nhân lực được đào tạo qua giáo dục là tài
nguyên quý giá nhất của đất nước. Và, khi làm chính sách giáo dục nên đặt trọng
tâm vào những mục tiêu lớn như đào tạo con người trung thực, có sáng tạo, có tư
duy độc lập, biết tôn trọng sự khác biệt, v.v… bên trên sự chuyển giao tri thức.
Và, phải quên đi những gì thực sự không còn giá trị nữa.” [3]
Kính thưa anh Trương Vũ, em rất đồng thuận
với MC Nguyệt Ánh. Anh như cây táo trong The Giving Tree của Shel Silverstein
mà anh dùng làm đoạn kết cho bài viết cuối cùng Về lại Sorrento của “Đuổi Bóng
Hoàng Hôn”. Anh đã không ngừng cống hiến, vắt kiệt dâng cho đời tất cả. Em rất
ngưỡng mộ anh. Và sẽ luôn nhớ lời anh dặn:
“Hãy
đem văn chương vào đời sống. Dù có làm thơ hay viết văn hay không, hãy đến với
cuộc đời bằng tâm hồn của một thi sĩ. Bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn. Bạn sẽ thấy
con người đẹp hơn.” [3]
Mong anh chị luôn được an lành trong những
ngày sắp tới. Và chúng em sẽ có dịp gặp lại anh chị cùng những anh chị khác và
bạn bè rất thân quý.
TRẦN
THỊ NGUYỆT MAI
3-3-2024
Tham
khảo:
[1]
Tạm biệt một căn phòng – Thơ Phạm Cao Hoàng
http://www.phamcaohoang.com/2024/02/3257-pham-cao-hoang-tam-biet-mot-can.html
[2]
Giấc mộng trên đồi thơm – Nhạc và lời: Nguyễn Trọng Khôi
https://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2016/01/giac_mong_tren_doi_thom_nguyen_trong_khoi.pdf
[3]
Đuổi Bóng Hoàng Hôn – Trương Vũ
https://www.amazon.com/%C4%90u%E1%BB%95i-B%C3%B3ng-Ho%C3%A0ng-H%C3%B4n-Vietnamese/dp/1927781760/
Nhận xét
Đăng nhận xét